Sự nghiệp Temple Grandin

Bà thuyết giảng rộng rãi những trải nghiệm đầu tiên về cảm giác bị mọi thứ xung quanh mình đe dọa, cảm giác bị xua đuổi và sợ hãi - những điều đã tạo động lực cho bà nghiên cứu về quy trình giết vật nuôi mang tính nhân đạo trong ngành chăn nuôi. Website của bà xúc tiến sự cải tiến tiêu chuẩn kết liễu vật nuôi. Năm 2004, bà nhận giải "Proggy" trong hạng mục "Visionary" từ tổ chức PETA.[4]

Một trong những tiểu luận đáng chú ý hơn cả của bà về vấn đề nhân đạo đối với động vật là tiểu luận "Animals Are Not Things,",[5] trong đó bà thừa nhận dù rằng động vật là tài sản trong xã hội loài người song cuối cùng thì luật pháp ban cho chúng quyền được đối xử nhân đạo. Bà so sánh giữa tính chất và quyền của những con bò và những cái tuốc nơ vít, liệt kê nhiều cách mà con người dùng chúng cho mục đích của họ, nhưng khi đề cập đến vấn đề đau đớn thì cần phân biệt rõ: theo luật, một người có thể giẫm nát một cái tuốc nơ vít nhưng không được tra tấn vật nuôi.

Grandin trở nên nổi tiếng sau được Oliver Sacks miêu tả trong cuốn sách An Anthropologist on Mars (1995). Tựa đề sách được đặt theo mô tả của Grandin về cảm giác của bà khi sống giữa những con người không mắc tự kỉ như bà. Vào giữa thập niên 1980, Grandin bắt đầu thuyết trình trước công chúng về chứng tự kỉ.

Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, bà ủng hộ can thiệp sớm nhằm xác định chứng tự kỉ và xác định những người thầy có khả năng chỉ dẫn những đứa trẻ mắc tự kỉ theo hướng thu được kết quả tốt. Bà tả mình là một người cực kì nhạy cảm với tiếng ồn và các tác nhân liên quan đến giác quan. Bà tuyên bố bà là người chủ yếu suy nghĩ bằng hình ảnh,[6] và rằng ngôn từ chỉ là ngôn ngữ thứ hai của bà. Grandin so sánh trí nhớ của bà với những thước phim đầy đủ trong đầu, khi cần có thể đem ra phát lại, từ đó cho phép bà nhớ được những chi tiết nhỏ. Bà cũng có khả năng xem lại trí nhớ của mình trong các bối cảnh khác nhau bằng cách thay đổi vị trí ánh sáng và bóng đổ.

Hiểu biết sâu sắc về suy nghĩ của gia súc đã dạy cho bà đánh giá sự thay đổi của những chi tiết mà gia súc cảm thấy đặc biệt nhạy cảm. Nó cũng dạy bà sử dụng các kĩ năng hình dung để chế tạo ra các thiết bị xử lý vật nuôi mang tính nhân đạo. Năm 2009, bà được tổ chức Hội Kĩ sư Nông nghiệp và Sinh học Mỹ kết nạp.[7]

Là một người ủng hộ "sự đa dạng về thần kinh" (neurodiversity), Grandin từng phát biểu rằng bà không ủng hộ chữa trị cho toàn bộ những người mắc tự kỉ.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Temple Grandin http://beefmagazine.com/cowcalfweekly/1031-temple-... http://discovermagazine.com/2005/may/what-do-anima... http://www.grandin.com http://www.grandin.com/inc/squeeze.html http://www.grandin.com/professional.resume.html http://www.grandin.com/welfare/animals.are.not.thi... http://lifetintedblue.com/an-interview-with-dr-tem... http://www.penguin.com/static/pdf/teachersguides/O... http://www.premiumhollywood.com/2010/02/04/tca-tou... http://www.ted.com/talks/temple_grandin_the_world_...